5,3 tỷ điện thoại di động có thể thành rác năm 2022
Số điện thoại di động không sử dụng năm nay có thể xếp cao tới 50.000 km, tạo ra lượng rác lớn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe.
5,3 tỷ trong số khoảng 16 tỷ điện thoại di động được sở hữu trên thế giới có thể bị vứt bỏ hoặc cất giữ trong năm 2022, Phys hôm 13/10 đưa tin. Đặt chồng lên nhau, số điện thoại này sẽ cao tới 50.000 km, gấp hơn 100 lần độ cao của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), theo hiệp hội nghiên cứu WEEE.
Dù chứa vàng, bạc, đồng, palladi và một số thành phần có thể tái chế khác, hầu hết điện thoại di động không còn sử dụng sẽ bị cất giữ, vứt đi hoặc đốt bỏ, gây ra các vấn đề lớn về môi trường và sức khỏe. "Nếu không tái chế những vật liệu quý hiếm trong các thiết bị này, chúng ta sẽ phải khai thác chúng ở những nước như Trung Quốc hay Congo", Pascal Leroy, tổng giám đốc WEEE Forum, cho biết.
Điện thoại di động chỉ là "phần nổi của tảng băng trôi" nặng 44,48 triệu tấn gồm rác thải điện tử không được tái chế hàng năm trên toàn cầu, theo thống kê của Global E-waste Monitor năm 2020.
Trong 5,3 tỷ điện thoại, nhiều chiếc sẽ được cất giữ thay vì vứt vào bãi rác, theo một cuộc khảo sát tại 6 nước châu Âu từ tháng 6 - 9/2022. Điều này xảy ra khi mọi người để quên điện thoại trong ngăn kéo, tủ quần áo, tủ chén bát hoặc garage thay vì mang chúng đi sửa hoặc tái chế.
Ước tính mỗi người tích trữ tới 5 kg thiết bị điện tử trong các gia đình châu Âu trung bình. 46% trong số 8.775 hộ gia đình được khảo sát coi tiềm năng sử dụng trong tương lai là lý do chính để cất giữ các thiết bị điện và điện tử nhỏ. 15% khác dự trữ thiết bị với ý định bán hoặc tặng, trong khi 13% giữ chúng do "giá trị tình cảm".
Tháng này, Nghị viện châu Âu thông qua luật mới quy định USB-C là chuẩn sạc duy nhất cho tất cả điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy ảnh mới từ cuối năm 2024. Điều này dự kiến giúp tiết kiệm ít nhất 195 triệu USD và giảm hơn 1.000 tấn rác thải điện tử của EU mỗi năm.
Luật pháp đã thúc đẩy tỷ lệ thu gom rác thải điện tử tại châu Âu cao hơn những khu vực khác trên thế giới, theo Kees Balde, Chuyên gia Khoa học Cấp cao tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Liên hợp quốc (UNITAR). "Ở châu Âu, 50-55% chất thải điện tử được thu gom hoặc tái chế. Ở các quốc gia có thu nhập thấp, ước tính của chúng tôi là dưới 5%, thậm chí đôi khi dưới 1%", ông nói.
Bên cạnh đó, hàng nghìn tấn rác thải điện tử được vận chuyển từ các nước phát triển đến nước đang phát triển mỗi năm, làm tăng thêm gánh nặng tái chế cho những nước này. Tại đó, phương tiện để xử lý rác thải điện tử an toàn thường thiếu thốn, khiến chất độc hại như thủy ngân và nhựa có thể gây ô nhiễm đất, nước, thậm chí xâm nhập vào chuỗi thức ăn.